Tất tần tật về bệnh giảm bạch cầu (FPV) trên mèo
Bệnh giảm bạch cầu ở mèo hay còn gọi là bệnh viêm ruột truyền nhiễm ở mèo (Feline infectious Enteritis), là mối đe dọa lớn nhất đối với phụ huynh thú cưng vì tỷ lệ gây tử vong rất cao, đặc biệt là ở mèo con chưa được tiêm phòng. Bệnh do một loại virus gây ra, với đặc điểm bệnh xuất hiện đột ngột, con vật nôn mửa, tiêu chảy và số lượng bạch cầu giảm rõ rệt. Tỷ lệ tử vong rất cao lên đến 85% nếu như không phát hiện và điều trị kịp thời. Cùng Bệnh viện thú y Pet Joy tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé!
BỆNH GIẢM BẠCH CẦU Ở MÈO LÀ GÌ?
Bạch cầu là những tế bào bảo vệ cơ thể quan trọng liên quan đến khả năng miễn dịch bẩm sinh ở mèo. Chúng là những tế bào đầu tiên tấn công các tác nhân lây nhiễm đe dọa cơ thể mèo. Mèo có năm loại bạch cầu: bạch cầu trung tính, tế bào lympho, bạch cầu eosophils, bạch cầu basophils và bạch cầu đơn nhân. Khi số lượng các tế bào này giảm đi, nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề sức khỏe khác sẽ tăng lên.
Bệnh giảm bạch cầu ở mèo hay còn gọi là bệnh viêm ruột truyền nhiễm ở mèo (Feline infectious Enteritis), là một rối loạn trong đó máu không có đủ tế bào bạch cầu, do nhiễm virus parvovirus ở mèo (FPV)
Đây là căn bệnh đầu tiên ở mèo được chứng minh là do vi rút gây ra và parvovirus đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể tồn tại trong thời gian dài (lên đến vài năm) trong môi trường và có khả năng chống lại nhiều chất khử trùng.
FPV xâm nhập cơ thể mèo qua đường nước bọt. Chỉ 24 giờ sau, virus này sẽ xuất hiện trong máu, trong các tế bào lympho vùng amidan và ruột rồi tấn công hàng rào miễn dịch cơ thể mèo. FPV còn làm suy giảm bạch cầu trong máu và phá hủy niêm mạc ruột, khiến mèo không muốn ăn uống, từ đó trở nên gầy yếu và suy sụp.
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH GIẢM BẠCH CẦU Ở MÈO
Nguyên nhân chính là do nhiễm virus như virus giảm bạch cầu ở mèo, nhiễm trùng toàn thân cấp tính, liệu pháp ức chế miễn dịch, suy giảm miễn dịch di truyền hoặc giãn bạch huyết, nhiễm khuẩn salmonella.
Feline parvovirus lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với phân – miệng và gián tiếp sau khi môi trường hoặc đồ vật bị nhiễm bẩn (ví dụ: trên đĩa thức ăn, dụng cụ chải lông, giường ngủ, sàn nhà, quần áo hoặc tay).
Mèo bị nhiễm FPV có thể tiếp tục bài tiết virus trong ít nhất sáu tuần sau khi nhiễm bệnh và virus cũng có thể lây truyền qua chó. Mọi hành động như liếm lông, ăn chung thức ăn đều là tác nhân khiến mèo nhiễm bệnh giảm bạch cầu ở mèo.
DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG PHỔ BIẾN KHI MẮC BỆNH GIẢM BẠCH CẦU
Thời gian ủ bệnh giảm bạch cầu mèo từ 2 – 3 ngày, có thể kéo dài từ 5 – 7 ngày.
- Thể quá cấp tính
- Bệnh xảy ra đột ngột, con vật đau vùng bụng, thân nhiệt hạ, suy nhược nghiêm trọng và chết sau 24 giờ (dễ nghi mèo trúng độc)
- Thể cấp tính
- Mèo bị sốt cao 40oC trong 24 giờ đầu, bỏ ăn, nằm không vận động, mèo trong trạng thái vô cảm, lông xù, bẩn, niêm mạc nhợt nhạt.
- Rối loạn tiêu hóa: Khát nước dữ dội, nôn ra mật có bọt, tiêu chảy nặng, phân mùi thối khắm dôi khi lẫn máu. Con vật có phản ứng đau khi sờ bụng.
- Bệnh tiến triển từ 2 – 3 ngày. Thân nhiệt hạ thấp hơn mức bình thường, sau đó hôn mê và chết, tỷ lệ chết khá cao từ 50 – 80%.
- Những con còn sống qua 5 ngày thường qua khỏi, mèo có thể bình phục sau vài tuần, lượng bạch cầu lại tăng lên bình thường.
- Thể ẩn tính
- Phổ biến ở mèo trưởng thành, mèo bị sốt nhẹ và giảm bạch cầu, ngoài ra không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào khác.
- Mèo khỏi bệnh có miễn dịch kéo dài.
- Thể thần kinh
- Gặp ở mèo con, do mèo mẹ bị bệnh trong thời kỳ mang thai, mèo con đẻ ra mất khả năng điều hòa vận động, yếu ớt, tỷ lệ nuôi sống thấp.
NHỮNG ĐỐI TƯỢNG NÀO CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH GIẢM BẠCH CẦU CAO NHẤT?
Bệnh giảm bạch cầu ở mèo thường lây nhiễm cho các bé mèo chưa được tiêm chủng vaccine ở mọi lứa tuổi. Sau khi vượt qua được bệnh thì mèo sẽ có miễn dịch với bệnh này suốt đời. Đa phần mèo con bị nhiễm bệnh do mẹ của chúng truyền virus trong nước bọt hoặc sữa của chúng.
Mèo mang thai bị nhiễm parvovirus, loại vi rút này có thể lây lan sang những chú mèo con chưa sinh, nơi nó có thể cản trở sự phát triển của não bộ. Sau đó, mèo con có thể được sinh ra với tình trạng được gọi là thiểu sản tiểu não. Ban đầu mèo con có vẻ ổn, nhưng khi chúng bắt đầu di chuyển và đi lại thì rõ ràng là chúng rất mất phối hợp. Điều này cũng có thể xảy ra ở mèo con còn rất nhỏ (dưới 4 tuần tuổi) bị nhiễm FPV vì tiểu não vẫn đang phát triển ở độ tuổi đó.
PHƯƠNG PHÁP PHÒNG NGỪA BỆNH GIẢM BẠCH CẦU
Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Bệnh giảm bạch cầu ở mèo rất nguy hiểm, có thể gây đến tử vong cho mèo trong thời gian ngắn. Tuy nhiên Sen có thể phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm vaccine cho mèo từ khi mèo được 8 – 10 tuần tuổi, nên tiêm phòng hàng năm cho mèo. Tiêm phòng giúp bé mèo của bạn chủ động sinh ra kháng thể trong hệ miễn dịch, để đào thải và tiêu diệt khi virus xâm nhập. Trường hợp nếu có nhiễm thì những kháng thể này sẽ làm suy yếu virus, việc điều trị sẽ có kết quả tốt hơn rất nhiều.
Nếu một trong những con mèo của bạn bị nhiễm parvovirus ở mèo, chúng phải được cách ly với những con mèo khác. Môi trường sinh hoạt của chúng phải được làm sạch và khử trùng thường xuyên. Virus parvovirus ở mèo có thể tồn tại trong môi trường trong nhiều tháng, vì vậy bạn phải khử trùng toàn bộ ngôi nhà của mình để giữ vật nuôi khác của bạn an toàn bởi bởi môi trường ẩm thấp, không được vệ sinh sạch sẽ chính là điều kiện lý tưởng để các mầm bệnh phát triển, lây lan.
Dọn dẹp nơi ở, chậu cát của mèo ít nhất 1 tuần 1 lần để đảm bảo vệ sinh, tránh được các nguồn lây bệnh. Hạn chế để mèo tiếp xúc với mèo hoang, những nơi có nguy cơ mầm bệnh hoặc ổ bệnh để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Đồng thời cung cấp cho mèo một chế độ dinh dưỡng, đầy đủ các chất cần thiết.
Trong trường hợp mèo nhà bạn có những triệu chứng như trên, bạn hãy liên hệ sớm với Bệnh viện thú y Pet Joy hoặc phòng khám thú y gần nhất để các bác sĩ có biện pháp can thiệp kịp thời.
Tin liên quan
Ngày nay, thú cưng đã trở thành người bạn đồng hành, một thành viên nhỏ không thể thiếu trong mỗi gia đình. Do được cưng...
Triệt sản mèo là một quyết định quan trọng nhằm kiểm soát sự gia tăng số lượng mèo và bảo vệ sức khỏe của chúng....
Để phục vụ nhu cầu chăc sóc, bảo vệ sức khỏe và đời sống tinh thần cho thú cưng tại Quận 10, rất nhiều phòng...